Chỉ vì thích kể công mà nhiều cô vợ đã làm chồng không chịu đựng nổi. Kết cục họ phải ra tòa ly hôn vì lý do không đáng.

Tốt nghiệp trường ngoại ngữ với tấm bằng ưu cộng với khả năng nói tiếng Anh lưu loát như người bản ngữ nên vừa đi tuyển dụng, Hương đã được nhận ngay vào làm phiên dịch viên cho một công ty liên doanh với nước ngoài với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Đi làm được hơn năm, Hương kết hôn với Nam, một chàng tiến sĩ, hiện đang giữ chức trưởng phòng của một viện nghiên cứu. Công việc của Nam không hề an nhàn, trong khi mức lương nhà nước không mang lại cho anh thu nhập cao như vợ.

Cuộc hôn nhân của họ êm đềm chưa được bao lâu thì liên tiếp xảy ra những cuộc chiến tranh nóng, lạnh bắt nguồn chỉ từ việc thích kể công của Hương. Hương kể công đủ thứ, từ lo việc nhà, quán xuyến gia đình, đối nội, đối ngoại cho tới việc kiếm được nhiều tiền hơn chồng. Càng ngày Nam thấy vợ càng xa lạ, khó gần. Từ sự cảm phục và yêu thương, Nam cảm thấy Hương bình thường và ích kỷ.

Thế rồi, chuyện gì đến cũng phải đến, khi “cuộc chiến” dai dẳng kết hợp với sự chán ngán, áp lực nặng nề, Nam đã chủ động làm đơn ra tòa. Khi nhận tờ đơn từ chồng, Hương dường như cũng sẵn sàng đón nhận khi cô chấp nhận và cầm bút ký luôn để đường ai nấy đi…

vo-ke-cong

Một đôi vợ chồng khác là Thu – Đàn ngoài ba chục tuổi và đã có với nhau 2 mụn con đủ cả nếp, tẻ. Đàn làm kỹ sư xây dựng, thường xuyên đi công tác xa cho nên mọi việc trong nhà đều do Thu quán xuyến, từ chăm sóc con cái đến phụng dưỡng bố mẹ chồng già. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Thu không kể công chăm sóc bố mẹ chồng với mấy chị hàng xóm để rồi đến tai mẹ chồng và cuối cùng lọt đến tai Đàn.

“Vợ chồng mình nuôi ông bà hết. Những lần đi viện toàn mình chăm sóc, lúc ông bà ốm đau toàn mình đưa đi cấp cứu. Nếu không có mình thì ông bà ấy chết lâu rồi!”. Đó là tất cả những gì mẹ Đàn nước mắt ngắn dài kể cho con trai về chuyện con dâu nói với thiên hạ.

Nói qua, nói lại vợ chồng cãi nhau, ai cũng cho là mình đúng, người kia ích kỷ, hẹp hòi. Đàn mặt đỏ phừng phừng nói: “Thích thì tôi và cô ly dị, đừng có kiểu làm rồi kể công, nếu kể công thì đừng làm”. Tức mình, Thu cũng đáp: “Tôi cũng muốn ly dị lắm rồi”.

Khác với trường hợp của Hương ở trên, khi đơn ly dị được Đàn đưa ra thì Thu lại cảm thấy hối hận. Thế nhưng lời nói như bát nước đổ đi, không thể lấy lại được…

Theo Lê Thị Khánh Ly

Pháp luật Việt Nam

5/5 - (1 vote)
 

Từ khóa: ,